Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009






















TRÁI TIM ĐỂ QUÊN

Sau mấy ngày nghỉ cuối tuần ở Haward, Baker trở về thành phố. Không hiểu sao, trong lòng anh bỗng trào lên một cảm giác khó hiểu khiến anh xốn xang bứt rứt, đứng ngồi không yên. Đó là một cảm giác vô cùng kỳ lạ. Lúc thì anh thấy hình như mình vừa để mất một thứ gì ấy làm cho lòng dạ chua xót cay đắng; lúc thì anh lại cảm thấy dường như mình sắp nhận được một thứ gì đó. Ý nghĩ ấy như một tia nắng xuyên qua khe hở đám mây, luôn luôn ẩn hiện nhấp nháy trong đầu óc anh.
Baker ngán ngẩm mở chiếc va li, kiểm tra kỹ từng thứ trong đó, đối chiếu với bản kê các vật dụng cần mang theo vào kỳ nghỉ cuối tuần dán bên trong nắp va li. Tất cả đều đủ hết, kể từ chiếc lược chải đầu cho đến bộ lễ phục dạ hội, không thiếu một thứ nào. Thế nhưng, cái cảm giác hình như mất một thứ gì đó vẫn cứ luôn luôn ám ảnh anh. “Rốt cuộc mình mất cái quái gì nhỉ ?” anh vừa đau khổ nghĩ ngợi vừa lục soát lại lần nữa từng thứ trong va li, đối chiếu với bản kê. Kết quả vẫn thấy chẳng mất gì hết. Nhưng vào lúc ấy, một ý nghĩ loé lên trong óc anh chẳng khác gì một tia chớp. Anh lập tức hiểu ra ngay, cuối cùng anh đã biết được thứ mình đánh mất ấy là cái gì.
“Ôi trời !” anh đấm mạnh tay vào đầu mình, kinh hãi kêu lên sung sướng, “Đúng rồi, chính là nó ! Mình phải lập tức viết thư cho cô chủ khách sạn, nhờ trả lại cái mình để mất ở chỗ cô ấy mới được.”
Nghĩ đến đây, Baker vội ngồi vào bàn, lấy giấy ra và viết:

New York
Kính gửi bà Sherton,
Cuối tuần trước, tôi đã được hưởng những giờ phút vô cùng sung sướng tươi đẹp suốt đời không thể nào quên tại Haward. Thế nhưng khi rời Haward trở về nhà, cũng như mọi khách du lịch khác thường làm khi rời khách sạn, tôi kiểm tra lại hành lý của mình và phát hiện thấy ít nhất tôi đã để quên một thứ ở khách sạn của bà. Thứ ấy chẳng có giá trị gì hết đối với người khác, song với tôi thì lại không thể nào thiếu được, dù nó rất nhỏ bé. Bởi lẽ, nó chính là trái tim của tôi. Nếu bà thấy nó ở chỗ nào, và nếu bà cảm thấy nó là thứ hoàn toàn vô dụng đối với bà, thì xin bà cố gắng gửi trả lại cho tôi càng sớm càng tốt (nếu bà không có việc gì quan trọng hơn cần làm), được không ạ ? Hoặc là, nếu nó may mắn được bà để mắt tới và thấy nó còn đáng được giữ gìn, thì xin bà nhất thiết báo cho tôi. Như thế, tôi sẽ biết là nó đang được bà coi sóc, không bị xem thường hoặc vứt ra ngoài đồng. Bà thấy như thế có được không ạ ? Bà Sherton quý mến, bà biết không ? Nó là trái tim duy nhất của tôi, xưa nay chưa bao giờ rời khỏi tôi.
Harison Baker mãi mãi trung thành với bà.

Thư viết xong, Baker lập tức gửi đi ngay. Sau đó anh bắt đầu sốt ruột chờ hồi âm.
Sáng ngày thứ ba, Baker thấy cạnh cái đĩa trên bàn ăn trong phòng bếp có một chiếc phong bì cực đẹp. Con dấu bưu điện trên phong bì cho thấy thư được gửi từ Haward, nhìn nét chữ viết họ tên và địa chỉ người nhận, anh biết rõ những dòng chữ ấy là của nữ chủ nhân khách sạn mình quen biết. Baker vô cùng hồi hộp, đồng thời vô cùng sung sướng. Anh vội bóc phong bì và ngấu nghiến đọc. Thư viết:

Haward
Ông Baker kính mến,
Ôi chào ! Xem đấy ! Cánh đàn ông các vị sao mà vô tâm đến thế cơ chứ ! 10 ngày qua, tôi phát hiện thấy trong khách sạn của mình có tới 10 cái giống như thứ ông viết trong thư. Có lẽ là vì những của ấy lắm chủng loại và số lượng cũng rất nhiều, cho nên tôi thực sự không thể phân biệt nổi “trái tim” nào là của ông. Cái thì đã vỡ nát, cái thì sứt mẻ, có cái chẳng còn hình dạng, có cái không thể nào thu nhặt được nữa. Trong đống “trái tim” ấy, tôi cho rằng chỉ có một trái hoàn toàn nguyên vẹn, tươi hồng. Tôi vô cùng mong muốn nó là của ông; có điều, bây giờ tôi còn chưa khẳng định được. Dù thế nào đi nữa, tôi mong rằng sau khi nhận được thư này, ông có thể đến đây ngay, chúng ta cùng xem xét kỹ, rốt cuộc nó có phải là của ông hay không. Ông thấy làm như thế có được không ạ ? Nếu thấy được thì xin ông đáp chuyến xe lửa đến Haward lúc 12 giờ 15 phút. Tôi sẽ đánh xe ra ga đón ông.
Ông Baker quý mến, vì “trái tim” là bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể con người, điều đó tôi biết rõ lắm chứ, cho nên trong thời gian này, tôi quyết định trước tiên hãy gửi đến ông “trái tim” của tôi, với mong muốn nó có thể tạm thời thay cho “trái tim” của ông. Trước khi “trái tim” của ông trở về với mình, ông có thể cứ giữ lấy nó.
Mari Sherton mãi mãi chân thành .
Tái bút .... Nếu ông quyết định đáp chuyến tầu 12 giờ 15 phút thì nhớ gửi điện báo cho tôi.
Thế là, 10 phút sau, một bức điện khẩn theo làn sóng điện bay tới Haward, bay đến bàn bà Sherton:
New York
Bà Sherton,
Tôi sẽ đáp chuyến tầu đến Haward lúc 9 giờ 05 phút.

Không có nhận xét nào: