Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

















NGHỆ THUẬT KHOẢ THÂN
Thứ hai 16, Tháng Tư 2007BTV: nguyenhai




Mới đến giờ lên đèn mà Thổ Khôi đã rửa xong chân tay mặt mũi. Vợ hắn đang ngồi trước ti vi xem phim. “Tách” – Thổ Khôi tắt cái ti vi. Hôm nay hắn vào thành phố làm ăn, gặp may kiếm được khá nhiều tiền, nhưng mệt bã người, bây giờ buồn ngủ lắm rồi, muốn đi nằm sớm. Thuý Hoa hiểu ý chồng, lặng lẽ chui vào màn như một con chuột. Đợi khi Thổ Khôi đã lên giường, cô bèn tắt đèn.
“Tắt đèn làm đếch gì !” Thổ Khôi lầu bầu, lại bật đèn lên, rồi hai tay hắn quờ quạng ôm lấy vợ.
“Cái lão quỷ sứ này, không biết xấu hổ à ...... Bị ma ám hay sao thế hả ?”
Thổ Khôi chẳng nói chẳng rằng, loáng một cái đã lột hết quần áo lót của vợ. Cưới nhau đã ba năm, làm cái chuyện kia bao nhiêu lần rồi, thế mà hôm nay lần đầu tiên hắn mới nhìn thấy thân thể người đàn bà. Mắt hắn đờ ra, đầu óc như mụ đi. Cặp vú có hai núm nhỏ mầu sẫm tựa như hai cái sừng dê mới nhú trông đẹp bằng mấy thứ vú làm bằng cao su bày trong cửa hàng trên phố và mê ly hơn nhiều. Cái lưng thon thon, đôi chân dài dài, làn da trắng trẻo mịn màng như cây cải bắp mới lớn. Mình phải “làm” thôi, Thổ Khôi mút mút đầu lưỡi. Thuý Hoa của mình còn “nghệ thuật” hơn nhiều so với những bức tranh vẽ các cô gái trần truồng hắn vừa nhìn thấy trên thành phố sáng nay.
...... “Ai mua vé không, ai mua vé không ? Phim Giọt máu trinh nữ, phim Mỹ loại độc đây. Cơ hội hiếm có !” Lũ phe vé mất dạy, vé giá 5 hào mà chúng bán đắt gấp 10 lần. Thổ Khôi đắn đo mãi mới dám mua một chiếc. Khi vào rạp chiếu bóng, nhân viên soát vé bảo : “Đây là vé xem Triển lãm Hội hoạ ở gian bên chứ không phải vé xem phim, bác mắc lừa chúng nó rồi.” Thổ Khôi giận điên người định xé béng chiếc vé ấy, nhưng nghĩ lại, vé đã chót mua rồi, triển lãm lại ở ngay bên cạnh, tội gì chẳng đảo qua một tý, xem thiên hạ vẽ thế nào cũng hay chán.
Vào Triển lãm rồi, Thổ Khôi mới cảm thấy kỳ lạ làm sao. Ôi mẹ ơi, trên tường treo bao nhiêu là tranh vẽ đàn bà không mặc tý tẹo quần áo nào mới kinh chứ ! Hắn len lét liếc nhìn xung quanh, sau khi không thấy có người quen nào mới thở một hơi dài khoan khoái. Người trong xóm mà biết mình vào đây thì “dư luận” gay lắm !
“Này cậu gì ơi, tranh vẽ người trần truồng thế này mà sao bên công an người ta lại không có ý kiến gì nhỉ ? Thằng cha Vương Tiểu Nhị xóm tớ chỉ bán có mấy bộ tú lơ khơ vẽ đàn bà ở truồng thôi mà đã bị công an tóm cổ đưa lên đồn đấy !”
“Đồng chí ơi, đấy là những thứ văn hoá phẩm khiêu dâm. Còn đây người ta gọi là nghệ thuật. Khác nhau đấy !”
Đầu óc Thổ Khôi bỗng sáng ra như căn phòng tối được thắp đèn. Trên đường về nhà trọ, hắn mê mẩn người, trong óc hiện lên toàn là hình đàn bà trần truồng các kiểu. Nghĩ mãi, rồi hắn cũng nghĩ tới cô vợ Thuý Hoa của hắn. Vợ mình xinh nhất xóm đấy chứ, mặt xinh này, thân hình cũng gọn gàng này, chỉ có điều suốt ngày mặc bộ quần áo rộng thùng thình, mọi đêm mình có làm cái chuyện kia thì cũng tắt đèn tối như hũ nút, chẳng được ngắm nghía gì, thật phí của. Lần này về nhà quyết phải bắt cô ấy “nghệ thuật nghệ thuật” một tý chứ. Thế là Thổ Khôi tạt vào chợ đêm mua cho vợ một bộ váy loại lụa mỏng tang nhìn thấy cả da thịt.
...... Dưới ánh đèn sáng, Thuý Hoa trần như nhộng ra sức giãy giụa. Mọi khi cô ấy vẫn ngoan ngoãn theo hắn kia mà ! Lần chống trả này chỉ khiến cho Thổ Khôi càng thêm xúc động hăng tiết. Hắn thở phì phò ráng sức đè vợ xuống ...... Xong việc, Thổ Khôi cảm thấy hôm nay mình mới được làm người đàn ông thật sự. Hắn ngồi dậy, tợp một ngụm trà rồi định làm tiếp lần nữa. Ai ngờ cô vợ bỗng bật khóc hu hu. Mới đầu Thổ Khôi còn có chút khoái chí vì đắc ý, nhưng rồi hắn lập tức cảm thấy tình hình có chiều hướng nguy hiểm. Người đàn bà càng khóc càng to, càng thương tâm. Cuối cùng, tiếng gào khóc ấy khiến ông bố Thổ Khôi chạy đến đập cửa phòng.
Mẹ Thổ Khôi mất từ khi hắn còn ẵm ngửa. Ông bố một mình gà trống nuôi con nên người, cho nên Thổ Khôi rất kính nể, sợ bố một phép. Cái nhà ba người này, Thổ Khôi vâng lời bố, bố hắn nghe lời con dâu, Thuý Hoa là cao nhất, cái trật tự ấy chẳng ai dám đảo lộn.
“Nói cho tao nghe nào, có việc gì thế hả ? Đang yên ổn không đâu lại bắt nạt con Thuý Hoa, mày có muốn để tao xé xác ra không hả, thằng kia ?”
“Thưa bố, không có chuyện gì đâu ạ.”
“Không có chuyện, lại còn không có chuyện gì hả, đồ vô lương tâm, hu hu !” –thấy được bố chồng bênh, Thuý Hoa khóc càng to. Đang khóc, bỗng nghĩ đến cái túi xách chồng mang về chiều nay, cô bèn chạy đến lục túi. Quả nhiên Thuý Hoa lấy ngay ra được cái váy kia. Bây giờ thì càng rắc rối to rồi !
“Bố xem, cái thứ váy này chẳng hiểu anh ấy mua cho con đĩ nào đây ...... Đổ đốn ra thành phố chơi bời với lũ đàn bà ngoài ấy, về nhà lại định học đòi bắt nạt con ..... Trời ơi! Hu hu ! Con không muốn sống nữa !”
Thổ Khôi chớp chớp mắt, tròng mắt trắng dã, mồ hôi toát ra như tắm. Bị ông bố truy hỏi mãi, cuối cùng hắn đành ấp úng kể lại đầu đuôi mọi chuyện. Ông bố giận tái mặt, những đường gân xanh trên trán ông run bần bật. Ông cầm chiếc ống điếu phang một cái vào đầu Thổ Khôi : “Đồ con mất dạy, mất dạy ! Tám đời nhà ta thế là bị mày làm tan tành sụp đổ cả rồi. Lại còn nghĩ ra chuyện đi xem đàn bà ở truồng nữa cơ, mày không thấy thằng Nhị Tiểu vừa bị người bên công an tóm cổ lôi đi hả ?”
“Thưa bố, chuyện này khác ạ. Người ta làm chuyện khiêu ... khiêu gì gì ấy cơ ạ. Còn con chỉ xem nghệ thuật thôi ạ.”
“Đồ súc sinh, lại còn già mồm hả !” Cái ống điếu lại phang một cái nữa vào đầu Thổ Khôi, lần này phang mạnh hơn. “Lần sau mà mày còn lên thành phố thì ông chặt chân, nghe chưa !”
Cũng chẳng hiểu tại sao, hôm sau người trong xóm trông thấy Thổ Khôi ai nấy đều chỉ chỉ trỏ trỏ, ghé tai nhau thì thầm, cứ như chỉ sau một đêm mà trên đầu hắn bỗng mọc sừng hay sao ấy. Biết là chuyện lan ra ngoài xóm rồi, cho nên trông thấy ai là Thổ Khôi lẩn ngay. Thế nhưng cũng có lúc chẳng trốn đi đâu được. Mụ Hai, cái mụ gái goá trong xóm ngày thường vẫn bám riết tán tỉnh Thổ Khôi ấy, hôm nay mặt mày hớn hở tươi roi rói hẳn lên. Mụ õng ẹo chặn đường Thổ Khôi : “Thế nào, muốn xem mụ già này cởi truồng hả ? Nhà tớ không có ai đâu, vào đây tớ cho xem này.” Thổ Khôi ngượng chín người chỉ muốn độn thổ.
Tối hôm ấy trước khi lên giường, hắn chủ động tắt đèn chứ không để vợ tắt như mọi khi.

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009


Nhìn trộm đàn bà tắm

Minh là nhạc công biểu diễn kèn clarinet. Hồi còn học ở trường Trung học thuộc Học viện Âm nhạc, cậu được cô giáo Phương quý mến, khen là thông minh, giầu cảm xúc âm nhạc, phong cách biểu diễn nhiều tình cảm. Cô Phương cho rằng trong số các học sinh mấy lớp cô từng dạy, chỉ có Minh là đạt được trình độ độc tấu clarinet. Âm nhạc cần có tài năng mà ! Sau khi tốt nghiệp trung học âm nhạc, Minh được phân công về “Đoàn văn nghệ mẫu” [
1] ... Vì clarinet chỉ là thứ nhạc cụ trang sức thêm cho 4 nhạc cụ chính của dàn nhạc đoàn này, cho nên mỗi tối biểu diễn, Minh chỉ thổi kèn trong một vài đoạn nhạc mà thôi. Do đó cậu khá rảnh rỗi, thường hay đọc tiểu thuyết những cuốn đại loại như “Đỏ và Đen” và các tác phẩm của D. H. Lawrence [2].
Minh người cao, mảnh khảnh, tóc quăn. Tính ít nói, không thích tham gia các câu chuyện tiếu lâm tục tĩu vô vị mà các diễn viên và cán bộ trong đoàn thường tán gẫu lúc rảnh rỗi. Mọi người không ưa Minh, cho là cậu kiêu căng. Minh thấy rất cô đơn.
Trần toà nhà Câu lạc bộ nơi đoàn văn nghệ thường tập nhạc chứa đầy những hòm các tông và trăm thứ lặt vặt, trên đó có một khoảng trống từ đấy có thể nhìn xuống nhà tắm nữ ở dưới. Không hiểu tại sao Minh lại tìm ra được chỗ này. Và thế là cậu thường trèo lên đó để nhìn trộm phụ nữ tắm. Sau vài lần, việc ấy bị tay thợ điện và tay soát vé của Câu lạc bộ phát hiện, vì họ còn lạ gì chỗ này. Hai người tóm cổ Minh, lôi xuống sàn tập và đánh cậu.
Một nhóm diễn viên võ thuật trong đoàn văn nghệ đi qua thấy thế hỏi :
“Sao lại đánh nó thế ?”
“Nó nhìn trộm các đồng chí nữ tắm !”
“Nhìn trộm các đồng chí phụ nữ đang tắm hả ? – nện cho nó một trận !”
Thế là bảy, tám người xúm lại đánh Minh.
May sao lúc đó cô giáo Phương cũng đi qua chỗ ấy. Cô nhìn thấy cảnh ẩu đả và nghe thấy họ nói gì.
Phương vừa biểu diễn clarinet trong đoàn văn nghệ vừa kiêm nhiệm dạy môn nhạc cụ này tại trường Trung học Âm nhạc. Có lúc cô đến đây tập biểu diễn, có lúc đến các đoàn văn nghệ khác hướng dẫn tập clarinet cho các học trò cũ của mình; vì thế thường hay qua lại Câu lạc bộ này. Phương đi đứng đàng hoàng, cử chỉ đoan trang, đầy phong độ. Các diễn viên và cán bộ nhân viên câu lạc bộ này đều biết cô.
Tại sao họ lại đánh Minh nhỉ ? Thật khó hiểu.
Phải chăng họ cho là hành vi của Minh vô đạo đức ?
Nhưng bọn người ấy đâu có để tâm gì đến quan niệm đạo đức kia chứ.
Chắc họ cảm thấy mình bị xúc phạm, thậm chí bị xỉ nhục, vì vợ và con gái họ thường hay đến đây tắm.
Hay là chỉ vì họ ghét Minh, ghét cay ghét đắng cái tính kiêu căng của cậu ta, cái thói cô độc xa lánh mọi người, tự cho mình có văn hoá, có tu dưỡng. Trong đầu óc họ tiềm ẩn một tâm lý tự ti nặng, vì họ cũng biết mình chỉ là những kẻ dung tục, vô học, không có tài nghệ, bị người khác xem thường. Bọn họ đánh Minh là để trả thù, trả thù âm nhạc, trả thù nghệ thuật.
Cô giáo Phương bước lại, rất bình tĩnh nói:
“Các anh không được đánh cậu ấy !”
Giọng nói bình thản của cô thế mà có sức nặng. Thái độ bình tĩnh và phong cách đoan trang của Phương khiến cho bọn người tàn nhẫn kia dừng tay, tức tối bỏ đi.
Cô dẫn Minh về nhà mình.
Phương sống đọc thân chưa lấy chồng, tuy có hai lần yêu nhưng đều không thành công. Trường Nhạc phân cho cô một phòng ở ký túc xá ngay gần Câu lạc bộ.
“Thế nào, bị đánh có đau không ? Có chỗ nào bị thương không ?”
“Thưa cô không sao ạ.”
Phương xem bả vai của Minh và lấy dầu cù là thoa lên chỗ bị đánh, rồi rót cho cậu một cốc rượu Mac-ti-ni.
“Tại sao họ lại đánh em ?”
Minh không trả lời.
“Tại sao em lại trèo lên chỗ ấy để nhìn trộm đàn bà tắm ?”
Minh vẫn im lặng.
“Có nhìn thấy cái gì hay hay trên người họ không ?”
Minh lắc đầu.
“Trên người họ có âm nhạc không ?”
Minh cả quyết : “Không ạ !”
“Em muốn ngắm đàn bà hả, thế thì ngắm cô đây này. Cô cho em ngắm đấy.”
Phương ưỡn bộ ngực nở nang trẻ trung của mình. Đôi chân dài, gót chân thon thon. Cặp đùi tuyệt đẹp.
Trước nay Minh vẫn thích ngắm chân của cô giáo Phương, nhất là vào mùa hè, khi cô đi dép lê, chân để trần không đi tất.
Phương cũng cảm thấy Minh thích ngắm đôi chân của cô.
Cô cầm tay Minh đặt lên ngực mình.
Minh hoa cả mắt, người run rẩy.
Cuối cùng, cô giáo Phương đã làm cho cậu dần dần bình tĩnh trở lại.
(Tiếng nhạc vang lên. Một bản dạ khúc của Sô-panh, âm thanh trầm và chậm, êm ái như trong giấc mơ ......).























TRÁI TIM ĐỂ QUÊN

Sau mấy ngày nghỉ cuối tuần ở Haward, Baker trở về thành phố. Không hiểu sao, trong lòng anh bỗng trào lên một cảm giác khó hiểu khiến anh xốn xang bứt rứt, đứng ngồi không yên. Đó là một cảm giác vô cùng kỳ lạ. Lúc thì anh thấy hình như mình vừa để mất một thứ gì ấy làm cho lòng dạ chua xót cay đắng; lúc thì anh lại cảm thấy dường như mình sắp nhận được một thứ gì đó. Ý nghĩ ấy như một tia nắng xuyên qua khe hở đám mây, luôn luôn ẩn hiện nhấp nháy trong đầu óc anh.
Baker ngán ngẩm mở chiếc va li, kiểm tra kỹ từng thứ trong đó, đối chiếu với bản kê các vật dụng cần mang theo vào kỳ nghỉ cuối tuần dán bên trong nắp va li. Tất cả đều đủ hết, kể từ chiếc lược chải đầu cho đến bộ lễ phục dạ hội, không thiếu một thứ nào. Thế nhưng, cái cảm giác hình như mất một thứ gì đó vẫn cứ luôn luôn ám ảnh anh. “Rốt cuộc mình mất cái quái gì nhỉ ?” anh vừa đau khổ nghĩ ngợi vừa lục soát lại lần nữa từng thứ trong va li, đối chiếu với bản kê. Kết quả vẫn thấy chẳng mất gì hết. Nhưng vào lúc ấy, một ý nghĩ loé lên trong óc anh chẳng khác gì một tia chớp. Anh lập tức hiểu ra ngay, cuối cùng anh đã biết được thứ mình đánh mất ấy là cái gì.
“Ôi trời !” anh đấm mạnh tay vào đầu mình, kinh hãi kêu lên sung sướng, “Đúng rồi, chính là nó ! Mình phải lập tức viết thư cho cô chủ khách sạn, nhờ trả lại cái mình để mất ở chỗ cô ấy mới được.”
Nghĩ đến đây, Baker vội ngồi vào bàn, lấy giấy ra và viết:

New York
Kính gửi bà Sherton,
Cuối tuần trước, tôi đã được hưởng những giờ phút vô cùng sung sướng tươi đẹp suốt đời không thể nào quên tại Haward. Thế nhưng khi rời Haward trở về nhà, cũng như mọi khách du lịch khác thường làm khi rời khách sạn, tôi kiểm tra lại hành lý của mình và phát hiện thấy ít nhất tôi đã để quên một thứ ở khách sạn của bà. Thứ ấy chẳng có giá trị gì hết đối với người khác, song với tôi thì lại không thể nào thiếu được, dù nó rất nhỏ bé. Bởi lẽ, nó chính là trái tim của tôi. Nếu bà thấy nó ở chỗ nào, và nếu bà cảm thấy nó là thứ hoàn toàn vô dụng đối với bà, thì xin bà cố gắng gửi trả lại cho tôi càng sớm càng tốt (nếu bà không có việc gì quan trọng hơn cần làm), được không ạ ? Hoặc là, nếu nó may mắn được bà để mắt tới và thấy nó còn đáng được giữ gìn, thì xin bà nhất thiết báo cho tôi. Như thế, tôi sẽ biết là nó đang được bà coi sóc, không bị xem thường hoặc vứt ra ngoài đồng. Bà thấy như thế có được không ạ ? Bà Sherton quý mến, bà biết không ? Nó là trái tim duy nhất của tôi, xưa nay chưa bao giờ rời khỏi tôi.
Harison Baker mãi mãi trung thành với bà.

Thư viết xong, Baker lập tức gửi đi ngay. Sau đó anh bắt đầu sốt ruột chờ hồi âm.
Sáng ngày thứ ba, Baker thấy cạnh cái đĩa trên bàn ăn trong phòng bếp có một chiếc phong bì cực đẹp. Con dấu bưu điện trên phong bì cho thấy thư được gửi từ Haward, nhìn nét chữ viết họ tên và địa chỉ người nhận, anh biết rõ những dòng chữ ấy là của nữ chủ nhân khách sạn mình quen biết. Baker vô cùng hồi hộp, đồng thời vô cùng sung sướng. Anh vội bóc phong bì và ngấu nghiến đọc. Thư viết:

Haward
Ông Baker kính mến,
Ôi chào ! Xem đấy ! Cánh đàn ông các vị sao mà vô tâm đến thế cơ chứ ! 10 ngày qua, tôi phát hiện thấy trong khách sạn của mình có tới 10 cái giống như thứ ông viết trong thư. Có lẽ là vì những của ấy lắm chủng loại và số lượng cũng rất nhiều, cho nên tôi thực sự không thể phân biệt nổi “trái tim” nào là của ông. Cái thì đã vỡ nát, cái thì sứt mẻ, có cái chẳng còn hình dạng, có cái không thể nào thu nhặt được nữa. Trong đống “trái tim” ấy, tôi cho rằng chỉ có một trái hoàn toàn nguyên vẹn, tươi hồng. Tôi vô cùng mong muốn nó là của ông; có điều, bây giờ tôi còn chưa khẳng định được. Dù thế nào đi nữa, tôi mong rằng sau khi nhận được thư này, ông có thể đến đây ngay, chúng ta cùng xem xét kỹ, rốt cuộc nó có phải là của ông hay không. Ông thấy làm như thế có được không ạ ? Nếu thấy được thì xin ông đáp chuyến xe lửa đến Haward lúc 12 giờ 15 phút. Tôi sẽ đánh xe ra ga đón ông.
Ông Baker quý mến, vì “trái tim” là bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể con người, điều đó tôi biết rõ lắm chứ, cho nên trong thời gian này, tôi quyết định trước tiên hãy gửi đến ông “trái tim” của tôi, với mong muốn nó có thể tạm thời thay cho “trái tim” của ông. Trước khi “trái tim” của ông trở về với mình, ông có thể cứ giữ lấy nó.
Mari Sherton mãi mãi chân thành .
Tái bút .... Nếu ông quyết định đáp chuyến tầu 12 giờ 15 phút thì nhớ gửi điện báo cho tôi.
Thế là, 10 phút sau, một bức điện khẩn theo làn sóng điện bay tới Haward, bay đến bàn bà Sherton:
New York
Bà Sherton,
Tôi sẽ đáp chuyến tầu đến Haward lúc 9 giờ 05 phút.


Có nhau trọn đời
Vào một ngày đẹp trời, có một cặp vợ chồng già khoảng 70 tuổi dắt nhau đến văn phòng luật sư. Hình như họ tới đây là để xin ly hôn.
Vị luật sư đã rất bối rối, sau khi nói chuyện với họ một hồi, ông dần hiểu được vấn đề của họ...
Cặp vợ chồng già này đã bất hoà với nhau suốt 40 năm nay kể từ ngày cưới và dường như những mối bất hoà này là không thể giải quyết được.
Ngày còn trẻ thì lý do con cái còn nhỏ, với lại sợ chuyện ly hôn sẽ làm ảnh hưởng đến lối sống và suy nghĩ của bọn chúng. Đôi vợ chồng đành cố chịu đựng. Bây giờ, khi chúng đã đã đều lớn cả, mỗi đứa lại có gia đình riêng, chẳng còn chuyện gì phải lo lắng hay bận tâm nữa, đôi vợ chồng già muốn có một cuộc sống thoải mái và của riêng mình sau nhiều năm chung sống không hạnh phúc. Vì vậy, việc làm đơn xin ly hôn vào lúc này, theo hai người nghĩ, là hoàn toàn chính đáng.
Vị luật sư đã phải rất khó khăn mới đưa được tờ đơn xin ly hôn cho hai người kí vào, bởi ông vẫn không hiểu, tại sao sau những 40 năm chung sống và hiện giờ thì đã ở tuổi 70, đôi vợ chồng già này lại vẫn muốn ly hôn...(?!?!?)
Khi bắt đầu kí, bà vợ quay sang nói với ông chồng: “Em thực sự vẫn rất yêu anh, nhưng em không thể chịu đựng thêm được nữa, em xin lỗi...”. Ông chồng chậm rãi: “Ừ, không sao đâu, anh hiểu mà”. Sau khi hoàn thành mọi thủ tục xin ly hôn, vị luật sự ngỏ ý muốn mời đôi vợ chồng cùng đi ăn tối, để họ có thể, một lần cuối cùng, được ngồi ăn tối cùng nhau, trước khi trở về vị trí của những người bạn.
Bữa tối ấy đã diễn ra trong cái im lặng của sự lúng túng. Món đầu tiên là thịt gà nướng. Ngay lập tức, ông chồng xé lấy một cái cẳng gà và nói với bà vợ: “ăn đi này, đây chẳng phải là món em ưa thích sao...?”
Nhìn cảnh đấy, vị luật sư cảm thấy như còn chút gì đó có thể cứu vãn được, thế nhưng người phụ nữ già lại tỏ vẻ khó chịu, bà trả lời: “Đây luôn luôn là vấn đề, anh thì lúc nào cũng đề cao bản thân mình, trong khi đó lại chẳng bao giờ để ý xem tôi đang nghĩ gì, tôi cảm thấy như thế nào. Chẳng nhẽ anh lại không biết là tôi ghét cẳng gà à ?”.
Bà vợ thì chưa bao giờ biết rằng, đã nhiều năm nay, ông chồng luôn cố gắng tìm mọi cách để chiều lòng bà, bà cũng không biết rằng cẳng gà là món ăn ưa thích của ông chồng. Còn ông chồng thì lại cũng không hay biết rằng vợ mình đang nghĩ ông hoàn toàn không hiểu chút gì về bà, ông không biết rằng vợ mình ghét tất cả những chiếc cẳng gà mà ông đưa cho mặc dù cuối cùng ông cũng chỉ muốn tốt cho bà.
Đêm hôm đó, cả hai người không sao ngủ được, hết quay người qua bên phải lại trở mình sang bên trái... Nhiều giờ sau, người đàn ông không thể chịu đựng lâu hơn được nữa, ông biết rằng ông quá yêu vợ mình, và ông không thể sống mà thiếu bà ấy được. Ông muốn bà ấy quay trở về, muốn nói thật to với bà, bằng tất cả con tim của mình, rằng ông xin lỗi, rằng ông yêu bà rất nhiều...
Ông chồng nhấc máy điện thoại, ấn số nhà bà vợ, những âm thanh tín hiệu như kéo dài bất tận trong vô vọng,... nhưng ông ấy vẫn không ngừng gọi điện...
Ở bên chỗ bà vợ, bà cũng đang vô cùng đau buồn, có điều bà không thể hiểu nổi, là tại sao sau ngần ấy năm, cho đến tận bây giờ, ông chồng vẫn không biết rằng bà rất yêu ông ấy. Những tiếng chuông điện thoại lại tiếp tục vang lên phá vỡ không gian yên tĩnh đáng sợ. Đoán được ai là người ở đầu dây bên kia, bà vợ nhất định không nhấc máy. “Để làm gì nữa, tất cả đã kết thúc rồi mà, cứ sống như thế này thôi là được rồi...” – bà nghĩ.... Những tiếng chuông điện thoại lại tiếp tục đổ, ngày 1một dồn dập và liên tiếp hơn.
Có điều, dường như bà đã quên hoàn toàn về căn bệnh tim của ông chồng.
Sáng hôm sau, bà nhận được tin ông ấy đã qua đời... Bà vội đến ngay khu nhà của ông, nhìn thấy ông đã không còn chút hơi thở nào, lạnh lẽo. Ông ấy vẫn đang nằm trên ghế tràng kỉ, và tay thì vẫn đang cầm chiếc điện thoại... Ông đã bị lên cơn đau tim trong khi cố gắng gọi điện cho bà.
Bà vợ cảm thấy đau buồn vô hạn, và tuyệt vọng, mọi thứ xung quanh dường như đều trở nên vô nghĩa.... Bà quyết định, sẽ phải xoá nhoà tất cả những gì thuộc về ông. Trong khi dọn dẹp, bà tìm thấy 1 chiếc quần của ông chồng, trong túi quần là một mảnh giấy, đó là hợp đồng bảo hiểm, có hiệu lực kể từ ngày hai người làm đám cưới với nhau, tên bà được ghi ở phần Người sẽ giữ tài sản trong trường hợp rủi ro, kèm theo mớ giấy tờ là một bức thư...
"Gửi em – cô vợ yêu dấu nhất trên đời của anh, khi em đọc được những dòng này, thì anh chắc rằng anh đã không thể còn ở trên cõi đời này được nữa. Anh đã mua cái bảo hiểm này cho em. Với số tiền 100.000 $ này, anh hi vọng chúng sẽ có thể tiếp tục thay anh làm tròn trách nhiệm, bổn phận, và lời hứa mà anh từng hứa với em khi chúng ta làm lễ cưới. Anh có thể sẽ không tồn tại mãi mãi bên cạnh em được, nhưng anh mong số tiền này sẽ thay thế anh để chăm sóc em thật tốt, giống như là khi anh còn sống vậy. Anh chỉ muốn em biết rằng, anh sẽ vẫn luôn ở bên cạnh em, trong trái tim em... Anh yêu em, mãi mãi yêu em, vợ của anh ạ!!!"
Nước mắt của người phụ nữ già tuôn rơi, lã chã... trào ra như một dòng sông...
“Khi bạn yêu một ai đó, hãy thể hiện cho họ biết tình cảm của mình... Bởi có thể bạn sẽ chẳng còn cơ hội nào để bày tỏ được tình cảm của mình đâu, vì bạn không biết rằng, chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai... Hãy học cách để yêu một ai đó... Học cách để sống bên nhau trọn đời....”